Mối liên kết giữa thương mại điện tử, thanh toán điện tử và logistics đã tồn tại 15 năm qua nhưng vẫn còn lỏng lẻo, chưa phát huy được hết sức mạnh, nguồn lực hiện có.
Dịch vụ logistics tại Việt Nam đang phát triển với tốc độ cao, bình quân 12-14%/năm, đóng góp 4-5% vào trong GDP. Tuy nhiên, chi phí logistics so với GDP của Việt Nam đang ở mức 16,8% - khá cao so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tương đương với giá trị khoảng 40 tỷ USD.
"Để giảm chi phí trên, một trong những biện pháp quan trọng là sử dụng công nghệ", ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhấn mạnh.
Khảo sát của VLA năm 2018 cho thấy, mức độ áp dụng công nghệ của các công ty trong ngành còn thấp nhưng đã có cải thiện rõ rệt, từ mức 15-25% trong 2016 đạt khoảng 40% năm 2018 tùy loại hình dịch vụ.
So với các ngành như truyền thông, bán lẻ khác thì tốc độ chuyển đổi số của ngành logistics còn diễn ra khá chậm. Nhưng khó khăn này cũng chính là cơ hội thị trường lớn để các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào giải các bài toán khó.
"Một trong số đó là bài toán giải quyết mối quan hệ tay ba giữa: Thương mại điện tử - Thanh toán điện tử - Logistics", ông Nguyễn Hữu Tuất - Chủ tịch Công ty FastGo đánh giá.
Theo ông Tuất, đây là mối quan hệ đã tồn tại 15 năm qua. Đặc biệt, cả 3 lĩnh vực nêu trên liên kết chặt chẽ với nhau và làm thay đổi lẫn nhau, thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng cả trên môi trường Internet và bán lẻ tại các cửa hàng.
Lãnh đạo của FastGo lấy ví dụ, trước đây việc vận chuyển hàng hoá thương mại điện tử phụ thuộc vào các hãng vận chuyển, có thể mất tới 3 ngày để nhận hàng, nhưng từ khi có xe ôm công nghệ, việc vận chuyển đơn hàng trong nội thành chỉ còn lại 30 phút, việc này đã làm bùng nổ sự phát triển của thương mại điện tử qua mạng xã hội, bất kỳ ai cũng dễ dàng bán hàng nhanh chóng.
Về phía các doanh nghiệp logistics, các đơn vị này phụ thuộc rất nhiều vào hạ tầng quốc gia về giao thông, phương tiện vận chuyển đường bộ và hàng không, các công nghệ mới và chi phí vận hành kho bãi, giá cả xăng dầu, các loại thuế phí, tình trạng tắc đường trong đô thị cũng là một trở ngại lớn để xây dựng các giải pháp và dịch vụ logistics.
"Vì vậy, để thay đổi và phát triển ngành logistics đòi hỏi thay đổi và phát triển ở cấp độ phát triển hạ tầng của Quốc gia, trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, Ban ngành", ông Nguyễn Hữu Tuất cho hay.
Theo đó, các doanh nghiệp logistics đang đứng trước một thách thức lớn trong giai đoạn điện tử hoá và chuyển đổi số. Nếu không kịp thời, có thể bị thay thế bởi các doanh nghiệp công nghệ tham gia vào lĩnh vực logistics với các mô hình mới bằng việc áp dụng công nghệ và kết nối nguồn lực dư thừa, như Grab là một ví dụ đã chiếm thị phần vận chuyển nội địa của các ông lớn như ViettelPost.
Việc điện tử hoá và chuyển đối số là bắt buộc với các doanh nghiệp logistics để bắt kịp với sự phát triển của ngành thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng. Ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp tăng trải nghiệm khách hàng của người mua và người bán, theo dõi được trạng thái vận chuyển đơn hàng, sử dụng robot để tự động hoá hoạt động kho, sử dụng AI để tối ưu về hành trình và kế hoạch…
Việc chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ cũng là cách để các doanh nghiệp logistics trong nước giữ được thị phần trước cuộc xâm lấn thị trường đang rất quyết liệt bởi các doanh nghiệp nước ngoài.
Về phần mình, ông Tuất khẳng định, FastGo là một doanh nghiệp công nghệ, không phải là một doanh nghiệp logistics. "Chúng tôi ứng dụng công nghệ để kết nối các nguồn lực và giúp điện tử hoá hoạt động logistics cho các doanh nghiệp. Chúng tôi cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp taxi để vận hành hiệu quả hơn, cung cấp công cụ quản lý giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển, đi lại", Chủ tịch Công ty FastGo nói.
Thực tế, các startup công nghệ đang tác động mạnh mẽ đối với ngành logistics, vừa hỗ trợ nhưng cũng vừa đe hoạ đến ngành logistics với các mô hình kinh doanh mới, đồng thời cũng là một áp lực để các doanh nghiệp truyền thống thay đổi.
"Đối với FastGo, chúng tôi tập trung nhiều vào dịch vụ vận chuyển người thay vì vận chuyển hàng hoá đang cạnh tranh rất gay gắt giữa các hãng vận chuyển truyền thống, các sàn thương mại điện tử và các công ty nước ngoài. Chúng tôi cung cấp 1 số dịch vụ vận chuyển đặc biệt cho các sàn thương mại điện tử là vận chuyển quà tặng VIP, vừa chuyển người và quà phục vụ cho nhu cầu tặng quà rất cao vào dịp Tết. Hoặc vận chuyển người và hành lý ra sân bay cho khách hàng cao cấp", ông Tuất chia sẻ.
Chủ tịch của FastGo tái khẳng định, chiến lược của startup này là cung cấp các dịch vụ vận chuyển chuyên biệt cho thị trường ngách - nơi mà đối thủ không làm, không cạnh tranh hay đối đầu trực tiếp, mà sẽ là một nền tảng và dịch vụ góp phần đa dạng hoá hệ sinh thái dịch vụ trong ngành logistics.