Thương mại điện tử Việt Nam tiềm năng nhất khu vực ASEAN
Sự tăng trưởng bứt phá của thương mại điện tử đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN.
Một trong số sự kiện nổi bật tạo nên dấu ấn thành công trong năm 2019 của ngành Công Thương được báo cáo tại Hội nghị tổng kết ngành năm 2019 và bàn kế hoạch 2020 là sự tăng trưởng bứt phá của thương mại điện tử.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, năm 2019, s tăng trưởng bứt phá của thương mại điện tử đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN
Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là hơn 25% trong giai đoạn hiện nay và được dự báo quy mô thị trường có khả năng lên tới 13 tỷ USD vào năm 2020.
Doanh thu hoạt động thương mại điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng (xấp xỉ 4% và đang gia tăng nhanh).
Theo Báo cáo "Kinh tế Internet Đông Nam Á 2018" của Google - Temasek, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2025 được dự báo ở mức 43%, đưa Việt Nam trở thành nước có nền Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất khu vực.
Bộ Công Thương đã và đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới với việc tìm hiểu và kết nối với Amazon Global Selling bằng chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon nhằm gia tăng xúc tiến thương mại và xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử, qua đó, nhiều doanh nghiệp đã được hỗ trợ để xuất khẩu hàng hoá qua sàn thương mại điện tử của Amazon.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số xác nhận, việc tiếp cận được 300 triệu khách hàng trên Amazon là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tạo ra bước ngoặt mới cho các doanh nghiệp Việt tìm kiếm thị trường, khách hàng mới trên toàn thế giới.
Năm 2018 giá trị thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2017. Doanh thu từ kinh doanh trực tuyến tăng mạnh mẽ nhờ sự sôi động của nền kinh tế ứng dụng, ước lên đến 6,4 tỷ USD. Các chuyên gia xếp hoạt động kinh doanh này trong phạm vi thương mại điện tử, bán dịch vụ và hàng hóa qua các kênh ứng dụng như Facebook, Grab, Zalo, Go-Viet...
Theo báo cáo mới nhất của Nielsen Việt Nam, tỷ lệ sử dụng Internet hiện đến 85% dân số Việt Nam, vượt qua mức trung bình của khu vực. Bình quân mỗi ngày người tiêu dùng dành gần 7 tiếng cho hoạt động trực tuyến, thuộc nhóm cao trong toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh của người tiêu dùng khu vực thành thị lên hơn 90% và con số này ở khu vự nông thông cũng hơn 50%.